Chẩn đoán ung thư gan
Tìm hiểu chung về gan
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất của cơ thể người, và được chia thành các thùy: thuỳ gan trái và thuỳ gan phải.
Hầu như tất cả các cơ quan trong cơ thể như thận, não… đều nhận máu trực tiếp từ tim. Duy nhất chỉ có gan, do có một nhiệm vụ quan trọng trong việc chế biến những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể cho nên gan vừa nhận máu từ tim thông qua động mạch gan, lại vừa nhận máu trực tiếp từ đường tiêu hoá thông qua 1 động mạch lớn gọi là tĩnh mạch cửa. Chính vì nằm ở vị trí “chiến lược” này, các chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ từ ruột sẽ đi qua gan để được biến đổi thành các chất cần thiết cho cơ thể.
Gan thực hiện khá nhiều nhiều chức năng quan trọng và phức tạp trong cơ thể như chuyển hoá chất (chất đường, chất đạm, mỡ), khử độc, bài tiết, tích trữ vitamin.
Với vị trí “chiến lược” cũng như các chức năng quan trọng này của gan mà có thể khẳng định chúng ta không thể sống mà không có gan, và việc duy trì một lá gan khoẻ mạnh là vô cùng quan trọng.
Về Ung thư gan
Theo thống kê từ cancer.net tháng 5/2017, ung thư gan là một trong mười ung thư phổ biến nhất. Nó là nguyên nhân đứng thứ 5 gây ra tử vong do ung thư ở nam giới, và đứng thứ 8 về tử vong do ung thư ở nữ giới.
Đối với 43% người được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sót 5 năm là 31%. Nếu ung thư gan lan sang mô hoặc các cơ quan xung quanh và/hoặc các hạch bạch huyết khu vực, tỉ lệ sống sót 5 năm là 11%. Nếu ung thư lan ra các phần khác của cơ thể, tỉ lệ sống sót 5 năm là 3%.
Như vậy, có thể thấy sự khác biệt rất lớn về tỉ lệ sống sót khi ung thư gan được chẩn đoán và điều trị sớm so với tỉ lệ đó ở các giai đoạn sau.
Vậy chẩn đoán ung thư gan gồm những phương pháp nào?
- Xét nghiệm chỉ dấu sinh hoá (AFP, AFP-L3, DCP hay PIVKA II): Việc tìm ra các chỉ số sinh hoá giúp phát hiện ung thư sớm, trước khi xuất hiện khối u giúp cho bệnh nhân được theo dõi và điều trị sớm, nâng cao tỉ lệ sống sót của bệnh nhân.
- Siêu âm: Cho thấy được các thông tin về hình dạng, kích thước, vị trí, số lượng khối u trong gan. Ngoài ra, phương pháp này còn cho phép đánh giá chính xác các bệnh lý về gan kèm theo như sơ gan, tràn dịch ổ bụng hay tình trạng gan sung to. Một ưu điểm nữa của phương pháp này đó là sự kiểm tra không xâm lấn, vô hại với cơ thể con người. Khi cơ thể xuất hiện tình trạng sụt cân, mệt mỏi, đau gan và các triệu chứng khác mà nghi ngờ là triệu chứng của ung thư gan thì có thể thực hiện kiểm tra này.
- Chụp cắt lớp CT kiểm tra: Chụp CT có độ phân giải cao, có thể phát hiện thấy khối u ung thư gan giai đoạn sớm với đường kính từ khoảng 1.0cm và độ chênh lệch tỉ trọng đạt 0.5%. Đối với ung thư gan thì chẩn đoán này có tỷ lệ phù hợp lên đến 90%, nhưng chi phí rất tốn kém nên vẫn chưa được áp dụng phổ biến.
- Chụp cộng hưởng từ – MRI: Là phương pháp chẩn đoán bằng hình ảnh hiện đại giúp đánh giá các tổn thương ở gan, xác định chính xác vị trí giải phẫu, vùng tổn thương và các cơ quan tổn thương. Đây là một kỹ thuật hình ảnh có thể cải thiện tỷ lệ phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan nhỏ, đồng thời giúp ích rất nhiều trong việc nhận dạng ung thư, có thể xem như là một bổ sung quan trọng cho kiểm tra CT.
Ngoài các phương pháp chẩn đoán ung thư thường mang lại hiệu quả cao như ở trên, còn các phương pháp như sinh thiết, chụp động mạch số hoá nền DSA, xạ hình…
References:
https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer/about/what-is-liver-cancer.html
http://sotayyhoc.com/benh-viem-gan/cau-tao-va-nhiem-vu-cua-gan.html
https://www.cancer.net/cancer-types/liver-cancer/statistics
http://benhvien108.vn/khoakhambenh/tinbai/2100/Xet-nghiem-phat-hien-som-ung-thu-gan