NHỮNG LƯU Ý ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN UNG THƯ TRONG MÙA COVID
Tháng 12 năm 2019, chủng cúm Coronavirus 2019 hay gọi tắt là COVID-19 lần đầu được xác nhận tại ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Từ đó đến nay đã có gần 19,5 triệu ca xác nhận nhiễm virus trên toàn thế giới, với hơn 720 ca tử vong (ghi nhận từ báo cáo số 202-WHO). Bệnh có khả năng lây từ người sang người qua dịch từ mũi, miệng khi ho, hắt hơi và tiếp xúc chung các vật dụng có chưa virus sau đó chạm tay vào mặt, mũi, miệng. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng bao gồm sốt, ho, tiêu chảy đến các triệu chứng như đau họng, khó thở… Trong khi đó, một số người nhiễm virus lại không có triệu chứng nào khiến cho việc phát hiện và sàng lọc càng trở nên khó khăn hơn.
Nguy cơ đối với bệnh nhân ung thư
Các bệnh nhân mắc ung thư, những người đang điều trị ung thư, người già và những người mắc các bệnh suy giảm chức năng như viêm phổi, tiểu đường, suy tim là nhóm người có nguy cơ bị tấn công bởi virus COVID-19 cao hơn những người bình thường. Đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư khi đa phần họ đã bị tổn thương hệ miễn dịch do khối u. Nguy cơ bị tổn thương cao nhất khi đang điều trị tích cực hoặc vừa kết thúc quá trình hoá trị, xạ trị, phẫu thuật… Lúc này ngoài việc ảnh hưởng bởi khối u, cơ thể còn phải chịu tác động từ hoá chất và tia xạ, các cơ quan và hệ miễn dịch bị suy yếu cần thời gian dài để hồi phục. Đây là lúc cơ thể có khả năng cao bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và bao gồm cả nhiễm virus như virus COVID-19. Do vậy, nhóm người bệnh này cần có các biện pháp bảo vệ, theo dõi chặt chẽ hơn.
Những lưu ý đặc biệt nào đối với bệnh nhân ung thư?
Giống như mọi người khác trong thời điểm dịch bùng phát, bệnh nhân ung thư cần tuân thủ theo khuyến cáo của bộ Y tế về phòng, chống virus Corona.
Bệnh nhân được khuyến cáo không nên ra ngoài khi không thật cần thiết, đặc biệt là đối với khu vực được xác định là có nguy cơ cao. Điều này giúp giảm khả năng tiếp xúc với những người khác có thể đến từ vùng dịch hoặc mang virus.
Đối với bệnh nhân đang trong quá trình điều trị, cần trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị về phương pháp điều trị và những nguy cơ gặp phải trong trường hợp cần hoãn hoặc ngưng điều trị trong thời gian có dịch. Nếu bệnh nhân cần đến tham vấn bác sĩ tại bệnh viện, cần trang bị thật kỹ khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn hoặc đồ bảo hộ (nếu được khuyên dùng) và tuân thủ đúng nguyên tắc giãn cách của bệnh viện. Một số bệnh viện có chương trình khám bệnh online hoặc qua điện thoại, giúp bệnh nhân có thể trao đổi với bác sĩ mà không cần tới viện. Hãy hỏi nơi điều trị của bạn về chương trình này.
Trường hợp bệnh nhân được phép điều trị tại nhà, không cần tới bệnh viện, cần chuẩn bị số lượng thuốc đầy đủ để không phải đi lại lấy thuốc tại viện nhiều lần. Việc chuẩn bị thuốc điều trị đầy đủ cũng giúp người bệnh và người nhà chủ động hơn trong trường hợp có chỉ thị giãn cách xã hội.
Một số trường hợp được chẩn đoán có nguy cơ mắc ung thư, tuy nhiên trong thời điểm dịch bùng phát, các trường hợp này cũng có thể được khuyến cáo hoãn làm xét nghiệm tại các bệnh viện. Bạn cũng không nên lo lắng quá, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ nếu cần phải điều trị bằng thuốc. Việc đến bệnh viện làm các xét nghiệm tầm soát ung thư rất quan trọng nhưng trong giai đoạn bệnh dịch phức tạp, bạn còn có thể có nguy cơ cao nhiễm phải virus nếu lui tới những nơi không khuyến cáo, trừ trường hợp thật cần thiết.
Nâng cao miễn dịch – “một công đôi việc”
Trong thời điểm nhạy cảm về bệnh dịch, việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để bảo vệ cơ thể tránh khả năng lây nhiễm luôn là phương án tối ưu đối với mọi ngườ và đặc biệt là với bệnh nhân ung thư.
Có nhiều cách để giúp nâng cao miễn dịch, phòng chống virus. Một trong các cách phổ biến và dễ thực hiện nhất đó chính là tập thể dục thường xuyên. Nếu không có cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm cao, bạn nên duy trì thói quen đi dạo hoặc tập các bài tập vận động nhẹ ngoài trời, tất nhiên là vẫn phải đảm bảo duy trì khoảng cách theo khuyến nghị. Việc vận động sẽ giúp các cơ quan trong cơ thể làm việc linh hoạt hơn, tư tưởng cũng sẽ được thoải mái hơn, lạc quan hơn. Những điều tích cực này đóng vai trò rất quan trọng trong và sau quá trình điều trị bệnh.
Cần đảm bảo dinh dưỡng, ưu tiên sử dụng các thực phẩm tươi sống, các thực phẩm có chất chống oxy hoá cao. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống khoa học và bổ sung các dưỡng chất giúp cơ thể chóng hồi phục trong quá trình điều trị bệnh, giúp hạn chế các tác dụng phụ khi áp dụng phương pháp hoá, xạ trị. Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ điều trị song song với quá trình điều trị giúp tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả, đẩy nhanh quá trình tái tạo các tế bào khoẻ mạnh.
Đại dịch COVID tuy vậy, vẫn có xuất hiện những điều tích cực có thể ghi nhận. Con người ít di chuyển và do vậy những người trong gia đình có thời gian gần gũi nhau hơn. Những bệnh nhân thường xuyên đến bệnh viên điều trị cũng có được những giải pháp điều trị tối ưu tại nhà mà không cần di chuyển tới viện, không phải chứng kiến quá nhiều đau đớn hàng ngày, nhờ đó cũng có tinh thần tích cực hơn, yêu cuộc sống hơn. Ở một khía cạnh nào đó, COVID-19 xuất hiện và lại đang “tích cực hoá”cuộc sống của những người vốn nghĩ ung thư là “cửa tử”.
Reference: https://www.cancer.net/blog/2020-08/coronavirus-and-covid-19-what-people-with-cancer-need-know