Tầng 3, nhà L2-9, ngõ 70 Lưu Hữu Phước Mỹ Đình, Hà Nội
Thứ 2 - Thứ 6 : 8.00 - 18.00

Blog

Giai đoạn, yếu tố nguy cơ và các phương pháp điều trị ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là một trong 10 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam và đứng hàng đầu trong số các bệnh ung thư ở vùng đầu cổ. Khối u khởi đầu từ các tế bào biểu mô ở khu vực vòm họng- là phần cao nhất của hầu họng, ngay sau mũi, chủ yếu gặp ởphía sau hoặc chỗ thắt vòm họng – khi chúng sinh sản mất kiểm soát, không tuân theo quy luật bình thường của chu trình tế bào và tạo thành khối u. Tế bào ung thư sau một khoảng thời gian sẽ di căn dần xuống các cơ quan khác và dẫn tới tử vong.

Ung thư vòm họng có mấy giai đoạn?

Dựa theo bảng phân loại TNM của Ủy ban Liên hợp về Ung thư Hoa Kỳ (AJCC) và Hiệp hội phòng chống Ung thư Quốc tế (UICC), ung thư vòm họng được chia ra làm 5 giai đoạn (từ 0 đến 4):

  • Giai đoạn 0: Khối u chỉ ở lớp tế bào biểu mô vòm họng.Ung thư ở giai đoạn này rất khó phát hiện dù đi kiểm tra định kỳ.
  • Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2 cm và giới hạn ở phần cổ họng nơi nó bắt đầu.Giai đoạn này chưa có biểu hiện gì, bệnh nhân may mắn có thể phát hiện thông qua sàng lọc hoặc thăm khám định kỳ.
  • Giai đoạn 2: Khối u có kích thước khoảng từ 2 đến 4 cm, chưa di căn sang các cơ quan khác.Xuất hiện một số triệu chứng như tắc mũi, đau đầu, ù tai, nghe kém…
  • Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4 cm, đã xâm lấn vào các cơ quan khác trong cổ họng hoặc đã lan sanghạch bạch huyết.Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường đau đầu kéo dài và liên tục.
  • Giai đoạn 4: Khối u lan rộng, di căn và xâm lấn đến nhiều cơ quan như phổi,gan, não,…Giai đoạn này thể trạng bệnh nhân giảm sút nghiêm trọng.

                                Hình minh họa: Các giai đoạn của ung thư vòm họng ( Nguồn Internet)

Hầu hết các bệnh nhân ung thư vòm họng chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Việc phát hiện bệnh muộn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tinh thần và việc đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

Các yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, bao gồm:

  • Hút thuốc lá, hút thuốc lá thụ động:Trong thuốc lá có chứa hơn 7000 tạp chất trong đó có 70 chất gây ung thư, là nguyên nhân gây ranhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vòm họng. Hơn nữa, những người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng có nguy cơ cao mắc ung thư.
  • Uống rượu: Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư họng do khả năng kích thích biểu mô vòm họng của rượu cũng giống với thuốc lá.
  • Các chất liệu, nguyên liệu công nghiệp: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng amiăng (được sử dụng để sản xuất tấm lợp AC, vật liệu cách nhiệt, cách âm…) hay các loại sợi tổng hợp dùng trong nhiều ngành công nghiệp có thể dẫn tới ung thư vòm họng cũng như ung thư thanh quản.
  • Virus Epstein-Barr (EBV): Các nhà khoa học đã tìm ra bộ gen di truyền của virus EBV trong tế bào ung thư vòm họng. Ngoài ra, các bệnh nhân ung thư thường có nồng độ kháng huyết thanh anti-EBV cao hơn  người bình thường (cơ chế tự miễn dịch của cơ thể khi có sự xâm nhập của virus EBV)
  • Virus HPV: HPV là một loại virus gây u nhú ở người, lây truyền qua đường tình dục, có thể gây ra ung thư vòm họng do thói quan quan hệ tình dục đường miệng. Ung thư do nhiễm virus HPV thường gặp ở quanh amiđan hay mặt dưới của lưỡi.
  • Trào ngược dạ dày mãn tính: Trào ngược dạ dày là tình trạng acid ở trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản.Nếu như bệnh đã ở giai đoạn mạn tính thì bạn nên cẩn thận vì đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến nguy cơ mắc phải ung thư họng tăng lên.
  • Bất thường nhiễm sắc thể:Trường hợp nhiều người cùng mắc ung thư vòm họng trong một gia đình thì rất có thể những người này bị di truyền nhiễm sắc thể bất thường. Các nghiên cứu về biến đổi di truyền ở những bệnh nhân ung thư vòm họng đã phát hiện tổn thương nhiễm sắc thể có ảnh hưởng đến gen ức chế hình thành u.
  • Các bệnh hoa liễu: lậu, giang mai, sùi mào gà… do việc quan hệ tình dục không an toàn cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới ung thư vòm họng.

Ung thư vòm họng cũng liên quan đến các loại ung thư khác. Trong thực tế, một số người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng đồng thời cũng mắc ung thư thực quản, phổi hoặc bàng quang. Điều này có thể được giải thích là do một số loại ung thư có yếu tố nguy cơ tương tự nhau.

Các phương pháp điều trị ung thư vòm họng

Dựa vào giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.  Các lựa chọn điều trị ung thư vòm họng bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, liệu pháp miễn dịch,…

  • Xạ trị

Xạ trị là sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với ung thư vòm họng, các khu vực được điều trị bao gồm không gian phía sau mũi cũng như hai bên cổ. Hiện nay, các kỹ thuật xạ trị mới có thể đưa bức xạ tới khu vực dự định một cách chính xác hơn, kiểm soát khối u tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn.

Trong trường hợp ung thư vòm họng mới ở giai đoạn đầu thì có thể áp dụng xạ trị đơn thuần. Đối với các bệnh nhân ung thư ở giai đoạn muộn, khi khối u đã xâm lấn đáy hộp sọ hoặc xâm nhiễm hạch lớn, hóa trị kết hợp với xạ trị sẽ được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.

Tỉ lệ điều trị thành công ung thư vòm họng cao hơn các bệnh ung thư khác. Nếu phát hiện càng sớm, tỉ lệ thành công càng cao.

 

  • Hóa trị

Hóa trị làphương pháp sử dụng các hóa chất để điều trị ung thư.Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm họng có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại.Xu hướng mới hiện nay là xạ trị kết hợp với hóa trị ngay từ đầu để tăng hiệu quả điều trị. Hóa trị có dạng thuốc uống và dạng thuốc truyền tĩnh mạch.  Chúng xâm nhập vào máu và đi khắp cơ thể, từ đó tiêu diệt các tế bào ung thư đã lan rộng ra ngoài khu vực cổ. Hóa trị được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau:

  • Kết hợp với xạ trị để điều trị ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển vì một số loại thuốc hóa trị làm cho tế bào ung thư nhạy cảm với các tia bức xạ hơn
  • Hóa trị dùng sau xạ trị để điều trị bổ trợ
  • Hóa trị dùng cho những bệnh nhân ung thư vòm họng di căn xa
  • Phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư vòm họng thường nhằm mục đích giúp loại bỏ những khối u, hạch bạch huyết vùng cổ khi người bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đối với ung thư vòm họng, phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị chính và ít khi được bác sĩ chỉ định do mũi họng là vị trí khó tiếp cận để phẫu thuật, hơn nữa ung thư vòm họng dễ đáp ứng với các phương pháp điều trị không xâm lấn khác như hóa trị, xạ trị. Phẫu thuật ung thư vòm họng thường chỉ được thực hiện để loại bỏ các hạch bạch huyết không đáp ứng với phương pháp khác. Có một số phương thức phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật nội soi: Ở thủ thuật này, các bác sĩ quan sát khối u qua một ống nội soi (ống dài mỏng có gắn đèn và camera). Thông qua đó sử dụng dụng cụ phẫu thuật hoặc tia lazer để loại bỏ khối u.
  • Cắt bỏ dây chằng: Thủ thuật này loại bỏ tất cả hoặc một phần dây thanh âm nếu khối u đã lan đến đây.
  • Phẫu thuật bóc tách hạch bạch huyết: Bệnh nhân cần được mổ mở bóc tách các nút bạch huyết nếu ung thư vòm họng lan rộng ra các hạch vùng cổ,
  • Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch vừa có tác dụng phòng ngừa vừa có tác dụng điều trị ung thư vòm họng. Vi-rút EBV được chứng minh là có mối liên quan mật thiết với ung thư vòm họng.Do đó,việc sử dụng vacxin ngăn ngừa EBV có tác dụng ngăn ngừa và phòng loại ung thư này.

Hầu hết bệnh nhân ung thư đều có sự suy giảm miễn dịch.Việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng cường khả năng miễn dịch sẽ có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch cho bệnh nhân, thúc đẩy khả năng chiến đấu lại các tế bào ung thư, kìm hãm sự phát triển của khối u và ngăn ngừa di căn.

  • Liệu pháp điều trị đích

Liệu pháp điều trị đích là sử dụng các loại thuốc ngăn chặn sự lây lan và tăng trưởng của các tế bào ung thư bằng cách tấn công trực tiếp vào các phân tử cụ thể chịu trách nhiệm cho sự phát triển khối u. Bác sĩ có thể kết hợp liệu pháp này cùng với hóa trị và xạ trị chuẩn.

Kết luận

PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch hội Tai Mũi Họng Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em – Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, số lượng bệnh nhân mắc ung thư ngày càng nhiều, ước tính cả nước mỗi năm ghi nhận thêm 126.000ca mắc mới ung thư trong đó ung thư vòm họng là loại ung thư rất phổ biến.90% ca mắc là do hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu bia chất có cồn; ô nhiễm nguồn nước, không khí, hoá chất; thực phẩm độc hại không rõ nguồn gốc,…Cũng vì thế, các nhà y học đã khuyến cáo người dân hạn chế uống rượu và hút thuốc lá, hạn chế thực phẩm lên men như khi ăn dưa cà cần rửa sạch, không để dính váng.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, ung thư vòm họng – cũng giống như đa số loại ung thư khác, không có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết sớm bệnh. Tuy nhiên, khi thấy một số dấu hiệu như: nổi hạch ở mang tai, ù tai một bên, nghe kém, ngạt một bên mũi, chảy một bên mũi, rỉ máu mũi, đau vòm họng, đau đầu một bên … thì bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị sớm. Hãy là người có trách nhiệm với sức khỏe của chính bản thân mình!

 

                                           

Tài liệu tham khảo

Share this post

Trả lời

error: Content is protected !!