HỎI ĐÁP VỀ COVID-19 DÀNH CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ (P2)
- Suy giảm miễn dịch là gì?
Khái niệm “suy giảm miễn dịch”để chỉ những người có hệ miễn dịch được coi là yếu hơn, suy giảm hơn hoặc kém mạnh mẽ so với những ngườI khoẻ mạnh bình thường khác. Chức năng chính của hệ miễn dịch chính là để chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn. Có nhiều lý do để một người được xác định là bị suy giảm miễn dịch: do mắc các bệnh như ung thư, tiểu đường, động mạch vành, các bệnh tuổi già nói chung; suy giảm miễn dịch do thói quen sinh hoạt như hút thuốc trong thời gian dài có thể làm suy yếu chức năng miễn dịch. Bệnh nhân ung thư là người có khả năng cao bị suy giảm miễn dịch, tuỳ thuộc vào loại ung thư và phương pháp can thiệp điều trị, tuỳ thuộc và tình trạng, tuổi tác khi mắc ung thư. Hiện nay chưa có xét nghiệm nào để xác định một người có thể bị suy giảm miễn dịch hay không mà chỉ phụ thuộc vào kết quả thử máu hoặc số lượng tế bào bạch cầu, suy giảm số lượng kháng thể.
- Người có tiền sử ung thư, suy giảm miễn dịch có nguy cơ nhiễm COVID-19 như thế nào?
Bệnh nhân ung thư và những người có tiền sử mắc ung thư là những người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao, bởi lẽ những người này thuộc nhóm người thường bị suy giảm miễn dịch. Có bằng chứng cho thấy những bệnh nhân có khối u ác tính liên quan đến hệ bạch huyết như bạch cầu, ung thư hạch, đa u tuỷ…có nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng cao hơn những bệnh nhân được chẩn đoán ung thư khác. Cũng có bằng chứng cho thấy bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư mắc COVID-19 gặp biến chứng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong cao.
- Liệu việc điều trị xạ trị, hoá trị trước đây có làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 hoặc gây ra bệnh nguy hiểm nào khác không?
Hiện nay chưa có nhiều bằng chứng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn hay thấp hơn giữa những người đang điều trị ung thư và những người khoẻ bình thường khác. Có một vài trường hợp trên thực tế cho thấy người bị mắc ung thư có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 cao nếu ở trong vùng dịch bởi ung thư và quá trình điều trị ung thư làm suy giảm chức năng miễn dịch của người bệnh, vì thế cơ thể ít có khả năng chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus. Trường hợp thực tế gần đây cho thấy bệnh nhân mắc ung thư phổi được điều trị hoá trị mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng có nguy cơ tử vong do nhiễm trùng cao hơn. Các bệnh nhân được chỉ định điều trị ung thư còn có khả năng lây nhiễm khi đi tới các cơ sở điều trị, nguy cơ lây nhiễm này cao hơn những người khoẻ mạnh khác. Vì vậy hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm ra giải pháp tốt nhất cho quá trình điều trị của bạn trong trường hợp có thể hoãn điều trị tại bệnh viện.
- Tôi mới được chẩn đoán ung thư và bắt đầu điều trị. Tuy nhiên trong đợt dịch này tôi băn khoăn không biết có nên tạm dừng điều trị hay không? Bởi nếu tới bệnh viện tôi sẽ có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19
Có rất nhiều yếu tố sẽ được xem xét để dẫn tới quyết định có dừng hay không tạm dừng quá trình điều trị ung thư để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ điều trị về các nguy cơ có thể xảy để bao gồm nguy cơ phát triển của khối u, khả năng phòng vệ của cơ thể và nguy cơ lây nhiễm virus. Các yếu tố cần xem xét bao gồm mục tiêu của việc điều trị, khả năng ung thư sẽ được kiểm soát, các tác dụng phụ và các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ có thể sử dụng để giảm bớt tác dụng phụ của việc điều trị.
- Tôi đang điều trị ung thư và thường xuyên phải làm các xét nghiệm, chụp chiếu để theo dõi quá trình phát triển của bệnh. Vậy tôi có nên tiếp tục làm các xét nghiệm này?
Nói chung, theo khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát bệnh tật, người bệnh được khuyến cáo không lui tới các cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp có thể được điều trị tại nhà hoặc hoãn điều trị một thời gian. Điều này áp dụng cho các bệnh nhân có lịch điều trị tại các bệnh viện, khoa ung bướu. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ cần đến khám hoặc điều trị 3 đến 6 tháng/lần. Nếu trong thời gian này bệnh nhân có các dấu hiệu khác thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị mà không cần chờ đến lần khám hoặc điều trị tiếp theo.
- Tôi cần làm gì để cải thiện sức khoẻ nói chung và đặc biệt là hệ miễn dịch của mình?
Bạn cần tuân thủ đúng yêu cầu của bác sĩ và các quy định phòng chống dịch để có sức khoẻ tốt. Không hút thuốc, ăn uống điều độ, khoa học, ăn nhiều rau và trái cây; tập thể thao phù hợp, thường xuyên; ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái, tích cực; đặc biệt tuân thủ quy định vệ sinh tay và giãn cách xã hội.
- Tôi đang trong giai đoạn chẩn đoán và phân loại giai đoạn ung thư, tôi phải làm gì khi tình hình bệnh dịch vẫn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao?
Trong giai đoạn này, dựa trên lợi ích và sự an toàn của bệnh nhân cũng như sự hiện đại của các trang thiết bị y tế, bệnh nhân có thể được tư vấn bỏ qua một số xét nghiệm hoặc ưu tiên các xét nghiệm để xác nhận sớm mức độ lây lan của khối u, từ đó xác định phương pháp điều trị phù hợp. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn thực hiện các xét nghiệm quan trọng giúp ích cho việc chẩn đoán giai đoạn và xây dựng kế hoạch điều trị ban đầu.
- Tôi mắc có mắc bệnh mãn tính trong thời gian điều trị ung thư vậy tôi có nguy cơ cao nhiễm COVID-19 không?
Người bệnh mắc bệnh nền, bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi, bệnh thận mãn tính, bệnh béo phì và tiểu đường được cảnh báo có nguy cơ trở thành biến chứng nghiêm trọng nếu mắc COVID-19. Tuy vậy, hầu hết các báo cáo không ghi rõ mức độ thay đổi tình trạng sức khoẻ bệnh nhân khi sử dụng thuốc hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt ăn uống trong thời điểm bắt đầu nhiễm COVID-19. Trên thực tế, nếu người bệnh đáp ứng tốt thuốc điều trị bệnh mãn tính cũng làm giảm nguy cơ biến chứng nặng khi nhiễm COVID-19.
- Việc hút thuốc, hút vape có làm tăng nguy cơ mắc COVID-19?
Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO) không đưa ra cảnh báo cụ thể dành cho những người hút thuốc và sử dụng vape sẽ có nguy cơ mắc COVID-19 hoặc biến chứng do bệnh này. Tuy nhiên hút thuốc, dùng vape hoặc hành vi tiếp xúc với khói thuốc khác gây nên tổn thương ở phổi có thể làm tăng nguy cơ biến chứng do COVID-19.
- Liệu con người có chịu tác động lâu dài về sức khoẻ cho COVID-19 hay không?
Vẫn còn quá sớm để khẳng định các tác động lâu dài của COVID-19 lên sức khoẻ của con người. Tuy nhiên có thể nhận thấy rõ ràng rằng một số bệnh nhân đã bị biến chứng ở nhiều hệ cơ quan bao gồm tổn thương thần kinh, suy thận, tim mạch bao gồm suy tim hoặc nhồi máu cơ tim. Những biến chứng nguy hiểm này để lại hậu quả lâu dài và bệnh nhân cần theo dõi sức khoẻ liên tục lâu dài.
- Có thông tin cho rằng COVID-19 có thể gây sẹo phổi. Điều này có làm tăng nguy cơ ung thư phổi trong tương lai hay không?
Tình trạng mô ở sâu bên trong phổi bị tổn thương, dày, cứng do mất tính đàn hồi, khuyến phổi bị sơ cứng và tạo thành sẹo gọi là sẹo phổi hoặc xơ phổi. Nhiều bệnh nhiễm trùng phổi cấp tính và mãn tính có thể gây ra sẹo, nguyên nhân viêm phổi mãn tính do hút thuốc, nghệ nghiệp thường xuyên tiếp xúc với bụi hoặc amiăng… Khả năng mắc ung thư phụ thuộc vào nguyên nhân gây sẹo phổi, hơn là vết sẹo phổi.
- Bệnh nhân mắc ung thư cần phải làm gì khi có xét nghiệm dương tính với COVID-19? Khi nào nên bắt đầu lại quá trình điều trị ung thư?
Hiện nay chưa có quy chuẩn nào về thời gian trì hoãn điều trị ung thư trước và sau khi điều trị COVID-19. Không nên tiếp tục điều trị ung thư cho đến khi các triệu chứng của COVID-19 hết và đảm bảo virus không còn trong cơ thể bằng các xét nghiệm. Trừ trường hợp bệnh ung thư tiến triển nhanh và có các đánh giá về việc điều trị ung thư đồng thời với điều trị COVID-19 sẽ có lợi cho bệnh nhân.
- Đối với bệnh nhân đã điều trị xong ung thư những vẫn tiếp tục tái khám định kỳ, nếu có các triệu chứng như ho, khó thở dù không đi tới vùng dịch thì có cần phải đi khám ngay hay không? Liệu khi đi khám bệnh nhân có phải chuyển tới khu cách ly hay không?
Bệnh nhân khi đã điều trị xong ung thư vẫn đang trong quá trình tái khám định kỳ thì vẫn có thể có nguy cơ tái mắc ung thư nên vẫn cần duy trì việc tái khám và theo dõi định kỳ. Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở mà không có liên hệ với vùng dịch thì có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp cần được đến cơ sở y tế thăm khám. Tại bệnh viện các bác sĩ sẽ thực hiện các bước sàng lọc bệnh nhân để đảm bảo không lây nhiễm chéo. Trong quá trình thăm khám và điều trị, bệnh viện vẫn thực hiện các công tác sàng lọc đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19.
- Tôi có các triệu chứng mệt mỏi, sút cân, phát hiện u bất thường có nên đi khám trong thời gian giãn cách ly xã hội?
Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu như mệt mỏi, sút cân không rõ nguyên nhân, ho ra máu, đi ngoài ra máu, phát triển khối u cục trên cơ thể thì cần đến khám tầm soát ung thư ở các cơ sở điều trị ung bướu. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các phương pháp phòng chống dịch khi đi khám nên không cần quá lo lắng, nếu không đi khám mà để lỡ “thời điểm vàng”để phát triển sớm và điều trị ung thư thì hậu quả để lại rất đáng tiếc và ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ
Source:
Facebook bệnh viện K