Tầng 3, nhà L2-9, ngõ 70 Lưu Hữu Phước Mỹ Đình, Hà Nội
Thứ 2 - Thứ 6 : 8.00 - 18.00

Blog

Điều trị ung thư dạ dày

  1. Về dạ dày

Dạ dày nằm trong ổ bụng, có hình chữ J, là nơi phình to nhất trong hệ tiêu hoá của cơ thể con người. Nó được mô tả là trung tâm nối thực quản với ruột non. Thức ăn sau khi được nuốt sẽ được đẩy xuống thực quản rồi sau đó đi vào dạ dày. Dạ dày sẽ nghiền thực phẩm, nhào trộn chúng cùng với dịch vị rồi tiêu hóa. Thực phẩm sau đó chuyển vào ruột non để tiêu hóa thêm.

  1. Thông tin chung về ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày bắt đầu khi tế bào lành tính trong dạ dày trở nên bất thường và phát triển vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Một khối u có thể là ác tính hoặc lành tính. Khối u ung thư là ác tính khi nó có thể phát triển và lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể. Một khối u lành tính có nghĩa là khối u có thể phát triển nhưng sẽ không xâm lấn. Ung thư có thể bắt đầu ở bất kỳ phần nào của dạ dày và có thể lan tới các hạch bạch huyết lân cận hay các bộ phận khác của cơ thể như gan, xương, phổi và buồng trứng của phụ nữ.

Hầu hết các loại ung thư dạ dày thuộc loại adenocarcinoma (ung thư biểu mô dạ dày). Điều này có nghĩa là ung thư bắt đầu ở mô tuyến bao quanh bên trong dạ dày. Phần còn lại thuộc loại lymphoma, sarcoma dạ dày, dạng hạch và các loại u thứ phát nhưng ít gặp.

Theo IARC (International Agency for Research for Cancer – Cơ quan nghiên cứu quốc tế về ung thư), có gần một triệu trường hợp ung thư dạ dày mới được ước tính đã xảy ra vào năm 2012 (952.000 trường hợp, chiếm 6,8% tổng số), đưa ung thư dạ dày trở thành bệnh ung thư phổ biến thứ năm trên thế giới, chỉ sau ung thư phổi, vú, đại trực tràng và tuyến tiền liệt. Đây là một sự thay đổi đáng kể khi ước tính đầu tiên năm 1975 cho thấy ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến nhất. Hơn 70% trường hợp (677.000 trường hợp) xảy ra ở các nước đang phát triển (456.000 ở nam giới, 221.000 ở nữ giới), và một nửa tổng số trường hợp ung thư dạ dày của thế giới xảy ra ở Đông Á (chủ yếu ở Trung Quốc).

Ung thư dạ dày đứng thứ ba về tử vong gây ra bởi ung thư ở cả hai giới trên toàn cầu (723.000 người chết, chiếm 8.8% trong tổng số). Tỷ lệ tử vong ước tính cao nhất ở Đông Á (24 trên 100.000 ở nam giới, 9.8 trên 100.000 người ở nữ giới), thấp nhất ở Bắc Mỹ (2.8/100 ở nam giới và 1.5/100 ở nữ giới). Tỷ lệ tử vong cao cũng xuất hiện ở Trung và Đông Âu, Trung và Nam Mỹ cho cả hai giới.

Trong những năm gần đây, dưới sự nỗ lực của ngành y, công nghệ điều trị ung thư dạ dày cuối cùng cũng đã có bước đột phá và đổi mới. Vì vậy, bệnh nhân ung thư dạ dày không cần quá lo lắng. Hãy phối hợp với bác sĩ, người bệnh sẽ nhận được điều trị hiệu quả.

  1. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày:

Yếu tố ngoại sinh

– Helicobacter pylori (HP): Là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Các nghiên cứu cho thấy 35-89% bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày (UTBMDD) có liên quan tới HP. Đặc biệt, HP type I nguy cơ gây UTBMDD cao hơn type khác 5-6 lần. Tuy vậy, một tỷ lệ khá lớn bệnh nhân UTBMDD không có liên quan tới nhiễm HP. Một số nước như Ấn Độ, Nam Phi, tỉ lệ nhiễm HP rất cao song tỉ lệ UTDD lại rất thấp.

– Thói quen ăn uống: Các thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn mặn, ăn nhiều đồ nướng, uống nhiều rượu bia, ăn ít trái cây và rau quả, ăn nhiều đồ chế biến sẵn, thực phẩm có tồn dư chất bảo quản v.v… chính là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

– Phơi nhiễm môi trường: một số chất gây ô nhiễm tại nơi làm việc, bao gồm bụi than đá, amiăng

Yếu tố nội sinh

– Viêm teo niêm mạc dạ dày: 6 – 12% số bệnh nhân bị viêm dạ dày thể teo và viêm dạ dày mạn tính của bệnh thiếu máu Biermer bị ung thư dạ dày.- Loạn sản niêm mạc dạ dày: được coi là tiền ung thư, đặc biệt là loạn sản cấp độ 3 có thể coi như ung thư vì hầu hết số này chuyển thành ung. Vì thế, những bệnh nhân có loạn sản dạ dày cần được theo dõi định kỳ bằng nội soi, sinh thiết và kiểm tra chặt chẽ mức độ loạn sản để từ đó có thể tiến hành điều trị sớm.

– Đã phẫu thuật dạ dày trước đây: Việc dịch mật trào ngược gây viêm teo niêm mạc dạ dày mạn hoặc thiếu acid ở những người đã cắt một phần dạ dày và môn vị có thể là nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Nhìn chung, nguy cơ UTDD lớn nhất là khoảng 20 năm sau khi phẫu thuật lần đầu.

– Polyp dạ dày: là những u nhỏ ở niêm mạc dạ dày, phần lớn là lành tính. Tuy nhiên polyp tuyến, đặc biệt là đa polyp hoặc polyp có kích thước lớn hơn 2cm có lông nhung rất dễ ác tính.

– Yếu tố gia đình: tỉ lệ ung thư dạ dày cao gấp 2-4 lần ở người có bố mẹ hoặc chị em ruột bị ung thư này so với những người của các gia đình không có người bị ung thư dạ dày.

– Nhóm máu A: người có nhóm máu A, vì những lý do chưa giải thích được, có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn một chút so với những người thuộc nhóm máu khác.

Các liệu pháp điều trị ung thư dạ dày phổ biến:

a.Điều trị phẫu thuậtlà phương pháp giúp điều trị tận gốc ung thư dạ dày cho bệnh nhân ở giai đoạn O, I, II, hoặc III. Tuỳ vào từng giai đoạn cũng như mức độ di căn của bệnh mà bác sĩ quyết định sử dụng phương pháp phẫu thuật nào là phù hợp. Với ung thư dạ dày đã di căn quá rộng tới mức không thể phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần khối u thì bệnh nhân vẫn phải phẫu thuật để ngăn ngừa tình trạng chảy máu từ khối u và ngăn dạ dày không bị tắc nghẽn. Trong trường hợp này, phẫu thuật không giúp điều trị tận gốc nhưng làm giảm được triệu chứng của ung thư.  Các phương pháp phẫu thuật ung thư dạ dày bao gồm:

+ Phẫu thuật nội soi: chỉ áp dụng cho các trường hợp bệnh ở giai đoạn đầu. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi xuống cổ họng vào dạ dày và dụng cụ phẫu thuật có thể được đưa qua ống nội soi để cắt bỏ khối u.

+ Phẫu thuật cắt bỏ một phần: được áp dụng cho khối u ở phần dưới hoặc chỉ nằm ở phần trên của dạ dày.

+ Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày: khi ung thư đã di căn đến khắp bụng, hay khi khối u nằm ở phần trên dạ dày, gần thực quản thì bệnh nhân được khuyến khích áp dụng phương pháp này.

Sau khi cắt bỏ toàn bộ dạ dày, người bệnh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ăn uống. Người bệnh chỉ có thể ăn một lượng nhỏ mỗi lần và ăn làm nhiều bữa.

Việc cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày đều được thực hiện thông qua vết rạch lớn ở bụng. Để vết cắt ở vùng bụng nhỏ hơn thì một số nơi sẽ thực hiện phẫu thuật nội soi.

Phẫu thuật giảm triệu chứng: được áp dụng khi việc phẫu thuật không thể giúp điều trị thành công ung thư dạ dày mà giúp kiểm soát ung thư hoặc để ngăn ngừa, làm giảm các triệu chứng hoặc biến chứng của ung thư. Một số phẫu thuật giảm triệu chứng của ung thư dạ dày thường thấy như: cắt một phần dạ dày để giúp điều trị các vấn đề như chảy máu, đau, tắc nghẽn dạ dày; phẫu thuật nối vị-tràng để cho phép thực phẩm ra khỏi bao tử thông qua kết nối mới; cắt bỏ khối u để ngăn chặn chảy máu hoặc giúp giảm tắc nghẽn; đặt stent giúp mở rộng dạ dày cho thực phẩm đi qua; đặt ống nuôi để đưa dinh dưỡng lỏng vào trực tiếp.

Nhìn chung, phẫu thuật ung thư dạ dày thường khó và có thể có biến chứng như chảy máu sau phẫu thuật, hình thành cục máu đông, tổn thương các cơ quan lân cận trong khi phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bắt gặp các phản ứng phụ sau khi phẫu thuật ung thư dạ dày như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, ợ chua.

b.Hóa trị:

Hoá trị liệu là phương pháp đưa hoá chất vào cơ thể qua đường truyền hoặc đường uống để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là phương pháp rất hữu ích để điều trị ung thư đã xâm lấn sang các cơ quan khác.

Trong điều trị ung thư dạ dày, hoá trị thường được chỉ định cùng với xạ trị sau phẫu thuật. Hoá trị cũng có thể được dùng như là liệu pháp chính trong trong điều trị loại ung thư này khi ung thư đã xâm lấn sang các tổ chức xa.

Mặt trái của hoá trị là nó không những tiêu diệt tế bào ung thư mà còn tiêu diệt cả các tế bào bình thường dẫn đến các tác dụng phụ cho bệnh nhân như mệt mỏi, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy v.v…

c.Xạ trị: 

Xạ trị là một phương pháp dùng chùm tia năng lượng cao như tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư. Cũng giống như phẫu thuật, xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, tia xạ chỉ tác dụng lên các tế bào ung thư trong vùng được điều trị. Trong điều trị ung thư dạ dày, xạ trị có thể được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Trước phẫu thuật, xạ trị là để làm nhỏ khối u khiến cho việc phẫu thuật được dễ dàng hơn. Sau khi phẫu thuật, xạ trị có tác dụng làm diệt phần ung thư sót lại còn rất nhỏ mà không thể phát hiện và cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.

d.Điều trị đích:

Điều trị đích là phương pháp sử dụng thuốc điều trị đích tác dụng lên những điểm khác thường của tế bào ung thư so với tế bào bình thường. Thuốc đích có hiệu quả trong một số trường hợp khi các loại thuốc hoá trị thông thường không có hoặc có rất ít tác dụng. Ngoài ra, chúng có ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với các loại thuốc hoá trị thông thường.

Một số thuốc đích được sử dụng trong điều trị ung thư dạ dày như Trastuzumab (nhắm vào thụ thể HER2 – human epidermal growth factor receptor 2) hay Ramucirumab.

e.Liệu pháp sinh học (còn gọi là liệu pháp hệ miễn dịch):

Là một hình thức điều trị nhằm hỗ trợ hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và huỷ diệt các tế bào ung thư. Ngoài ra, nó cũng giúp cơ thể hồi phục khi có một vài tác dụng phụ của điều trị. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các bác sĩ đang nghiên cứu liệu pháp sinh học phối hợp với các phương pháp điều trị khác để cố gắng phòng ngừa ung thư dạ dày tái phát.

Liệu pháp sinh học đang là mở ra một hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư nhờ vào sự an toàn và gần như không có tác dụng phụ của nó.

Các bác sỹ thường kết hợp hai hoặc nhiều hơn các phương pháp điều trị để đạt được hiệu quả điều trị tối đa.

References:

http://globocan.iarc.fr/old/FactSheets/cancers/stomach-new.asp

http://benhvien108.vn/tinbai/2506/Ung-thu-da-day-Cac-bien-phap-chan-doan-va-dieu-tri

http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/cac-loai-benh/ung-thu/cac-phuong-phap-dieu-tri-ung-thu-da-day-383312.html

Share this post

Trả lời

error: Content is protected !!