Tầng 3, nhà L2-9, ngõ 70 Lưu Hữu Phước Mỹ Đình, Hà Nội
Thứ 2 - Thứ 6 : 8.00 - 18.00

Blog

Liệu pháp miễn dịch: Cánh cửa mới đầy hi vọng cho bệnh nhân u não

U não là một khối tập hợp các tế bào phát triển bất thường ở trong não. Một số khối u não là lành tính và một số khối u khác là ác tính. Các khối u não có thể bắt đầu trong não hoặc bắt đầu ở các bộ phận khác của cơ thể và lan tới não. Lựa chọn điều trị khối u não phụ thuộc vào loại u não cũng như kích thước và vị trí của nó.

Các phương pháp điều trị u não truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, xạ phẫu đã cho thấy rõ những nhược điểm như gây đau đớn, mệt mỏi, sa sút sức khỏe nghiêm trọng sau trị liệu. Đặc biệt với những bệnh nhân không may mắc u não mà tình trạng sức khoẻ không cho phép điều trị bằng các phương pháp trên thì tiên lượng sống vô cùng hạn chế. Tin vui là hiện nay, trên thế giới đã tìm ra và đang nghiên cứu phát triển phương pháp điều trị ung thư nói chung và u não nói riêng, thu được những kết quả đáng kinh ngạc. Một trong số đó chính là liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này ra đời đã khắc phục được những nhược điểm của các phương pháp truyền thống, hứa hẹn đem lại nhiều thành quả, mở ra một hy vọng cho những người không may mắc phải căn bệnh quái ác này.

Liệu pháp miễn dịch là gì?

  • Hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể người

Bạn có bao giờ thắc mặc tại sao một số bệnh như tai xanh, lở mồm long móng…chỉ gặp ở gia súc mà không lây sang gà hay người? Trong một đợt dịch bệnh rất nhiều người mắc nhưng cũng có những người không bị? Cùng mắc cảm cúm do một loại virus gây ra nhưng có người nhẹ vài ngày là khỏi, có người lại dai dẳng vài tuần không đỡ, thậm chí có người bị tử vong? Hay một số bệnh như thủy đậu, sởi, quai bị,.. nếu mắc một lần rồi thì sẽ không bao giờ bị lại nữa? Những thắc mắc này được giải thích dựa trên cơ chế miễn dịch. Miễn dịch là khả năng của cơ thể nhận ra và loại bỏ các vi khuẩn, virus lạ xâm nhập, giúp cơ thể tự bảo vệ chống lại các mầm bệnh. Hệ miễn dịch cũng là một trong những hệ cơ quan trong cơ thể người, tương đương như hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa,..đảm nhận vai trò riêng là đáp ứng miễn dịch.

Đáp ứng miễn dịch được chia làm 2 loại là miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.

  • Miễn dịch không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên) là khả năng miễn dịch của con người sinh ra đã có. Chúng bao gồm: Bạch cầu (bạch cầu ưa kiềm, bạch cầu ưa a-xít, bạch cầu mono, bạch cầu đa nhân trung tính, đại thực bào,…) có nhiệm vụ bắt giữ, nuốt và diêu diệt các vi khuẩn, virus xâm nhập lạ; tế bào NK hay còn gọi là tế bào diệt tự nhiên, tiêu diệt các tế bào bị lỗi trong quá trình phân chia trong cơ thể như tế bào các khối u, tế bào nhiễm virus; hệ thống bổ thể, các cytokine (rất nhiều cytokine có vai trò trong điều trị ung thư nhờ chức năng là trung gian điều hòa các tín hiệu tương tác giữa các tế bào hay hoạt hóa các loại tế bào khác nhau).
  • Miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thu được) là khả năng hình thành miễn dịch sau tiếp xúc với vật lạ một lần. Thành phần gồm các tế bào lympho T, lympho B, trong đó các tế bào T có vai trò giúp tế bào B trong việc nhận diện và tiêu diệt các vật lạ.

 

Hệ miễn dịch bao gồm các tuyến bạch huyết, lá lách và bạch cầu. Thông thường, nó có thể phát hiện và tiêu diệt các tế bào bị lỗi trong cơ thể, ngăn chặn tế bào ung thư phát triển. Ung thư chỉ có thể phát triển khi:

  • Hệ thống miễn dịch nhận ra tế bào ung thư nhưng nó không đủ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Các tế bào ung thư tạo ra các tín hiệu ngăn chặn hệ miễn dịch tấn công nó.
  • Các tế bào ung thư ẩn lấp hoặc trốn tránh hệ miễn dịch.

 

  • Liệu pháp miễn dịch

Là liệu pháp giúp tăng cường khả năng của hệ miễn dịch hay hỗ trợ kích hoạt các phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh tật.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư

Phương pháp này khác biệt với các can thiệp loại bỏ khối u thường thấy như phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị ở việc nó nâng cao vai trò hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư một cách tự nhiên. Trước đây, liệu pháp miễn dịch chỉ gồm biện pháp không đặc hiệu như vaccine tiêm phòng virus có thể dẫn đến ung thư, nhưng chúng chỉ có vai trò dự phòng và những tác dụng này còn giới hạn. Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đặc hiệu được chú trọng với hướng nghiên cứu tập trung làm cho các thành phần của hệ miễn dịch nhận diện tế bào ung thư dễ dàng hơn, tăng cường hiệu quả của phản ứng miễn dịch tiêu diệt ung thư.

 

  • Tác dụng của liệu pháp miễn dịch:
  • Ngừng hoặc làm chậm sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
  • Ngăn chặn ung thư lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.
  • Ưu điểm của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư:
  • Liệu pháp miễn dịch được coi là an toàn, không gây độc hại cho cơ thể. Các phương pháp trong liệu pháp không tiêu diệt nhầm tế bào khỏe và mô lành. Tác dụng phụ có rất ít hoặc không có, không có biến chứng.
  • Liệu pháp miễn dịch tác động lên hệ miễn dịch của toàn cơ thể nên nó không chỉ giúp điều trị ung thư mà còn giúp bệnh nhân phòng tránh các bệnh khác.
  • Tiêu diệt các tế bào ung thư di căn một cách tự nhiên, phòng ung thư, ngăn chặn hình thành các khối u.
  • Kéo dài sự sống cho những bệnh nhân mắc ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân không thể hóa trị hay xạ trị.
  • Kết hợp với phương pháp hóa trị, xạ trị giúp người bệnh mau khỏi và phục hồi sức khỏe.

 

  • Nhược điểm của liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư :
  • Với mỗi người, biểu hiện kháng nguyên ung thư không giống nhau nên khả năng đáp ứng điều trị cũng khác nhau. Các nhà nghiên cứu cố gắng “cá nhân hóa” liệu pháp miễn dịch bằng cách xác định trình tự gen đột biến sinh kháng nguyên ung thư hoặc liệu pháp tế bào riêng của từng bệnh nhân.
  • Bản thân các sản phẩm miễn dịch nhân tạo (như các mAbs) cũng là một phân tử lạ với cơ thể, vì vậy chúng có thể gây ra phản ứng chống lại chính nó, tuy nhiên trường hợp này rất ít khi xảy ra.
  • Cơ chế hoạt động của liệu pháp miễn dịch là sự nhận biết và gắn kết đặc hiệu giữa các kháng thể, tế bào chức năng với kháng nguyên ung thư. Vì vậy, thách thức cần giải quyết là phân biệt tế bào ung thư với các mô bình thường. Hiện nay, các nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu và thu được nhiều kết quả khả quan.

 

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị u não

Hiện nay việc điều trị u não bằng liệu pháp miễn dịch còn gặp nhiều khó khăn do hàng rào máu não của cơ thể bảo vệ não khỏi các chất ngoại lai bao gồm cả thuốc điều trị. Tuy nhiên, đã có những trường hợp điều trị thành công trên người bệnh, mở ra hy vọng khả quan cho những bệnh nhân u não.

 

Các loại liệu pháp miễn dịch trong điều trị u não hiện này gồm 6 loại chính:

 

  • Thuốc ức chế điểm kiểm tra (Checkpoint)

Nguyên tắc hoạt động của phương pháp:

Các tế bào bình thường trong cơ thể có protein đặc biệt trên bề mặt giúp hệ miễn dịch nhận ra là tế bào lành nên không tấn công chúng, được gọi là protein điểm kiểm tra. Các tế bào ung thư đôi khi có thể sản xuất ra các protein này để đánh lừa hệ miễn dịch, ngăn cản hệ miễn dịch nhận ra và tiêu diệt chúng. Các chất ức chế điểm kiểm tra là các loại thuốc chặn protein điểm kiểm tra này, khiến các tế bào ung thư bị phát hiện và tiêu diệt bởi hệ miễn dịch.

 

Nhược điểm:

Nhược điểm của phương pháp này là nó có thể ngăn chặn cả protein điểm kiểm tra của các tế bào bình thường, khiến hệ miễn dịch tấn công cả các tế bào lành.

Một số thuốc được áp dụng

Đến nay có một vài chất ức chế điểm kiểm tra đã được phê duyệt ở một số nước như: Ipilimumab, Pembrolizumab, Nivolumab, Pidilizumab

 

  • Kháng thể đơn dòng:

 

Các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies – mAb) là các kháng thể giống hệt nhau, được sản xuất bởi cùng một dòng tương bào và chỉ nhận biết một epitope trên một kháng nguyên. Kháng thể đơn dòng có tác dụng làm cho tế bào ung thư dễ bị phát hiện bởi hệ thống miễn dịch, ngăn chặn và ức chế quá trình tế bào này phát triển, hay thậm chí có thể trực tiếp tấn công thế bào ung thư. Bởi cơ chế này nên kháng thể đơn dòng hiện đang được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu y sinh học cơ bản, trong chẩn đoán bệnh và trong điều trị ung thư.

 

  • Vắc-xin ung thư:

Liệu pháp này “huấn luyện” các tế bào đuôi gai, là những tế bào miễn dịch đặc biệt trong cơ thể giúp hệ thống miễn dịch nhận biết các tế bào ngoại lai, như tế bào khối u, để hoạt hóa và loại bỏ chúng. Các bác sĩ sẽ lấy một số tế bào đuôi gai trong máu của bệnh nhân rồi nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cùng với các tế bào khối u hoặc protein của khối u. Những tế bào đuôi gai này sẽ được “dạy” cách nhận biết các tế bào khối u hoặc protein của khối u là vật lạ với cơ thể. Sau đó chúng sẽ trở thành một loại vắc-xin được tiêm trở lại vào cơ thể người bệnh.

 

  • Virus oncolytic:

Những loại virus có khả năng xâm nhập vào các tế bào ung thư, từ đó trực tiếp tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc kích hoạt và trở thành “chỉ điểm” cho hệ thống miễn dịch được các nhà khoa học gọi chung là virus oncolytic. Những virus này có thể có trong tự nhiên hoặc được biến đổi trong phòng thí nghiệm. Một ví dụ về virus oncolytic là reovirus. Đây là loại virus tự nhiên tương đối vô hại, chúng chỉ xâm nhập vào các tế bào ung thư mà không làm hại các tế bào lành. Reovirus cũng có khả năng vượt qua hàng rào máu não để đến các khối u. Trong một thử nghiệm, người ta đã nhỏ các reovirus vào máu của 9 bệnh nhân trước khi phẫu thuật u não. Kết quả các khối u được lấy ra đều phân lập được reovirus.

 

  • Liệu pháp tế bào T (ACT-Adoptive Cellular Therapy): ACT là liệu pháp làm tăng số lượng tế bào T chống khối u của bệnh nhân ung thư não. Các tế bào T được lấy từ máu hoặc khối u của bệnh nhân và được nhân lên trong phòng thí nghiệm. Khi có đủ tế bào T, chúng được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân để nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp tế bào CAR-T là một loại ACT mà các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu để sử dụng trên các khối u não và với một số loại ung thư máu.

 

Ngoài ra hiện nay một số nghiên cứu khác về liệu pháp miễn dịch đang được tiến hành như:

  • Thay đổi môi trường khối u để cải thiện miễn dịch của cơ thể đối với khối u não. Nhóm nghiên cứu tại trường đại học Lund ở Thụy Điển cũng đã thử sử dụng một loại vaccine để biến đổi khối u glioblastoma (một loại u não) khiến nó tạo ra các chất kích thích hệ miễn dịch, thu được kết quả khả quan trên động vật là 75% qua điều trị đã khỏi u não hoàn toàn.
  • Virus giết chết tế bào ung thư trong việc điều trị các khối u thần kinh đệm.
  • Vaccin chống ung thư.

Kết luận

Khả năng miễn dịch ở mỗi người là khác nhau, do đó tình trạng mắc bệnh cũng khác nhau ở từng người. Không có phương pháp điều trị nào có thể hiệu quả cho tất cả các trường hợp, vì thế khi mắc bệnh, hãy nghe tư vấn của bác sĩ để có được cách điều trị hiệu quả nhất với bản thân. Hy vọng trong tương lai ngành y ngày càng phát triển, các nhà khoa học sẽ sớm tìm ra thêm những phương pháp điều trị mới giúp nâng cao chất lượng sống cho mọi bệnh nhân ung thư.

Tài liệu tham khảo

Share this post

Trả lời

error: Content is protected !!